Tôi đã chuyển từ Windows sang Linux như thế nào?

Câu chuyện về hệ điều hành Windows

Việc chuyển đổi thói quen hàng ngày thật sự là một điều rất khó với mọi người. Thói quen sử dụng hệ điều hành cũng không phải là ngoại lệ. Đối với hầu hết chúng ta, việc sử dụng máy tính thường bắt đầu với việc sử dụng hệ điều hành Windows. Tôi còn nhớ thời điểm tôi sở hữu chiếc máy tính đầu tiên là lúc Windows 7 mới phát hành, cấu hình máy tính đó cũng tương đối yếu, cơ bản chỉ chạy được Windows XP. Từ đó mình bắt đầu tập tành, vọc vạch các ứng dụng trên Windows, sau đó là cài đặt ứng dụng, hệ điều hành,…

Logo Windows XP

Logo hệ điều hành Windows XP

Những ngày đầu tiếp xúc với Linux

Mọi thứ diễn ra rất bình thường cho đến khi tôi bước chân vào đại học, tôi nghe các thầy cô nói nhiều về Linux, các bản phân phối (Linux Distribution/Distro), tôi cũng cảm thấy thích lắm, cài máy ảo máy thật các kiểu nhưng không bao giờ quá 2 ngày Tôi cài hết Distro này tới Distro khác chỉ đơn giản là để tìm kiếm cái nào đẹp đẹp và dễ sử dụng thôi 😜, kết quả là cái nào nhìn cũng có vẻ “chuối chuối” và hơi khó xài 😄 Distro mà tôi vọc vạch nhiều nhất có lẽ là Ubuntu.

Linux và Windows

Linux và Windows

Cơ duyên nào dẫn đến việc tôi chuyển sang Linux?

Cơ duyên thứ nhất là tôi phải làm việc với máy chủ Linux. Tôi tạo ra một hệ thống e-learning cho các bạn học viên tại Duong Lu Dien Training dựa trên nền tảng Moodle. Hệ thống này cần một server riêng để vận hành, qua việc tìm hiểu trên mạng tôi đăng ký một máy chủ ảo (Virtual Private Server – VPS) ở DigitalOcean, lúc này máy chủ đó chạy Ubụntu Server 14.04 và có một điều đặc biệt là chỉ thao tác bằng Command Line chứ hoàn toàn không có giao diện người dùng 😄 Tôi đọc hết guide hướng dẫn này đến guide hướng dẫn khác, và bắt đầu tự cài đặt, cấu hình server của mình (chủ yếu là copy/paste mấy cái lệnh 😄), gặp lỗi gì thì search Google. Mò mẫm 2 ngày liên tục, xóa rồi tạo không biết bao nhiêu lần rồi mới cấu hình được một cái server tương đối hoàn chỉnh và có thể chạy tốt Moodle và cái plugin CodeRunner để đánh giá tự động code của mấy bạn học viên. Sau vụ này tôi cũng hiểu biết kha khá về Linux mà đặc biệt là Ubuntu rồi, thật sự là lúc đó tôi đã cảm thấy thích thích và có cảm tình nhiều hơn với nó.

Ubuntu Server

Ubuntu Server 14.04

Cơ duyên thứ hai mà cũng là may mắn của tôi đó là tôi đi học “chui” môn Phát triển phần mềm nguồn mở do thầy Ngô Bá Hùng (Khoa CNTT&TT – ĐHCT) giảng dạy, tôi đặc biệt rất thích cách dạy của thầy, mỗi ngày đi học về là có một nguồn cảm hứng mới, thật sự thầy là một người truyền cảm hứng đại tài. Mỗi buổi học tôi được nghe những câu chuyện về phần mềm nguồn mở, đặc biệt là về Linux, tôi như bị cuốn hút hoàn toàn. Thầy thường nói “Tôi đang dùng Ubuntu và tất cả các phần mềm trên máy tôi đều là phần mềm tự do nguồn mở, đó hoàn toàn đủ cho công việc hàng ngày của tôi”. Tôi thiết nghĩ, thầy vừa là một giảng viên, vừa là một nhà khoa học, công việc thầy làm đương nhiên là nhiều hơn mình gấp bội, phần mềm tự do nguồn mở có thể đáp ứng như cầu của thầy, vậy thì đối với mình thì tại sao không?! Hôm đó về nhà theo lời của thầy, tôi bắt đầu trải nghiệm “1 tuần không có Windows”. Mọi thứ diễn ra cũng khá tốt, tôi bắt đầu cai nghiện Windows nhưng rồi cũng chỉ được 2 ngày do công việc của tôi thường phải quay màn hình và dựng các đoạn clip hướng dẫn lập trình. Thật sự chưa có phần mềm nào trên Linux có thể so sánh được với Camtasia Studio trên Windows. Thế là lần đầu thất bại.

Open-source software development

Phát triển phần mềm nguồn mở

Sau đó mấy ngày tôi lại đi học rồi quay về nhà và bắt đầu ngứa tay muốn cài tiếp, lần này tôi chơi bạo sao lưu hết dữ liệu và chia lại ổ đĩa luôn, lúc này không còn gì là ổ NTFS nữa, tôi chia thành 2 ổ Extended 4 (cho thư mục / và thư mục /home). Có lẽ đây cũng là một yếu tố quan trọng giúp tôi chuyển hẳn sang sử dụng Linux. Sau đó không lâu thì câu chuyện về các đoạn clip quay màn hình cũng được giải quyết luôn, thay vì sử dụng một phần mềm Camtasia Studio như trên Windows, tôi tận dụng bộ 3 open-source là Kazam (quay màn hình), Audacity (thu âm và xử lý âm thanh) và OpenShot (dựng phim). Đến đây mọi vấn đề hầu như đã được giải quyết tốt.

Kazam - Audacity - OpenShot

Bộ ba Kazam - Audacity - OpenShot

Lời kết

Hiện tại, tôi đang sử dụng Ubuntu và các phần mềm tự do nguồn mở trên máy tính cá nhân của mình và khá hạnh phúc với tất cả chúng, ngay cả phần mềm để soạn ra bài blog này cũng là một phần mềm nguồn mở (LibreOffice), đó thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời. Nếu có thể, các bạn hãy thử trải nghiệm nó đi. Khi mình viết bài blog này, mình đã chuyển sang dùng Linux được gần 2 tuần 😃

Linux is No.1